NHỮNG CUỐN SÁCH VIẾT VỀ CHIẾN TRANH VIỆT NAM BẠN NÊN ĐỌC ÍT NHẤT MỘT LẦN TRONG ĐỜI
Lịch sử - đối với nhiều học sinh là một môn học chán ngắt với những bài giảng dài lê thê, rất hiếm để tìm được những bạn trẻ hiểu biết nhiều cũng như yêu thích môn học này.
Đây cũng là điều mà rất nhiều người lớn, những bậc phụ huynh lo lắng về con trẻ của mình. Nhà sách Hadosa xin giới thiệu những cuốn sách viết về lịch sử dân tộc hay và thú vị, giúp các bạn trẻ vừa hiểu thêm về lịch sử, đồng thời rèn luyện thói quen đọc sách tốt đẹp.
Mãi mãi tuổi hai mươi
"Mãi mãi tuổi hai mươi" là một trong những cuốn nhật ký hiếm hoi về thời chiến, chứa đựng những cung bậc cảm xúc chân thực nhất của một thanh niên Hà Nội. Dù chỉ là những trang nhật ký và bức thư tình, nhưng nó vẫn đặt ra những câu hỏi sâu sắc và nguyên tắc của một thế hệ trẻ sẵn sàng đối mặt với chiến tranh và hy sinh cho hòa bình. "Mãi mãi tuổi hai mươi" không chỉ là một cuốn sách, mà còn là một tuyên ngôn về sự quyết tâm và lòng dũng cảm của thế hệ trẻ Việt Nam.
Tuổi thơ dữ dội
Một cuốn sách nằm lòng của rất nhiều người, cuốn sách viết về câu chuyện của những cậu học trò đang tuổi đến trường nhưng đã khẳng khái ra trận vì Tổ quốc quyết sinh. Những cậu bạn mới 12, 13 tuổi tham gia Vệ Quốc Đoàn, có người trở về, có người mãi mãi ở lại nơi đầy mùi bom đạn, máu của các em đã làm nên độc lập ngày hôm nay. Cuốn sách sẽ đưa bạn qua những cung bậc cảm xúc khác nhau, cùng khóc, cùng cười, cùng rơi nước mắt, cùng đau đớn với các nhân vật. Đây là một cuốn sách đáng đọc để trân trọng hơn lịch sử, biết ơn những con người đã làm nên lịch sử dân tộc.
Nhật kí Đặng Thùy Trâm
“Nhật ký Đặng Thùy Trâm” là cuốn sách tổng hợp nhật ký của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã phơi bày những nghiệt ngã, khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chúng ta thường biết đến những hình ảnh của chiến tranh của phim, ảnh nhưng qua những con chữ của vị nữ bác sĩ, khung cảnh của chiến trường, của những người chiến sĩ cụt tay hiện lên rõ nét, ám ảnh và xót xa. Cuốn sách cũng là sự nhớ nhung, là những tâm sự của người con xa quê hương vì Tổ quốc, sống giữa mưa bom bão đạn, nhiều lúc thèm khát lắm bàn tay chăm sóc của mẹ, hay không thì là bàn tay của người thân cũng được.
Nỗi buồn chiến tranh
Trong nhiều tác phẩm về chiến tranh Việt Nam, thường chỉ tập trung vào những chiến công hào hùng, không muốn khắc họa sâu vào những thảm khốc và hậu quả. Nhưng Bảo Ninh đã làm điều đó khác biệt. "Nỗi Buồn Chiến Tranh" tái hiện đời sống trong và sau chiến trận một cách thực tế, với những góc khuất và đau đớn mà nhiều người có thể đã quên đi. Nhờ vào câu chuyện của nhân vật Kiên và cách xây dựng kịch bản lồng vào nhau, tác giả đã đưa người đọc từ cuộc chiến trận vào thực tại, từ những ảo tưởng, giấc mơ, đến những phút giây cuồng nộ trong rượu. Kết thúc, "Nỗi Buồn Chiến Tranh" vạch ra một bức tranh trần trụi về chiến tranh, khẳng định không ai là kẻ chiến thắng hoàn toàn. Đây là một tác phẩm không thể bỏ qua, mang lại cái nhìn công bằng và đa chiều hơn về quá khứ chiến tranh của Việt Nam.