Dịch giả Nguyễn Bích Lan: 5 tác phẩm về chiến tranh bạn nên đọc để hiểu hơn về chiến tranh và trở thành người phản chiến

Dịch giả Nguyễn Bích Lan sinh năm 1976 tại Hưng Hà, Thái Bình. Chị đã chuyển ngữ thành công hơn 58 cuốn sách, trong đó có thể kể đến: Triệu phú khu ổ chuột, Cuộc sống không giới hạn, Lời nguyện cầu từ Chernobyl, Cọ hoang, Cây cam ngọt của tôi, Phật ở tầng áp mái..
Chị từng được trao giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 2010 và năm 2020 cho hai tác phẩm lần lượt là Triệu phú khu ổ chuột và Lời nguyện cầu từ Chernobyl.
Năm 2020 chị cũng nhận được Giải thưởng sách Quốc gia cho dịch phẩm Được học.
Không dừng lại ở đó, chị còn là tác giả viết sách và đã có 3 cuốn sách được xuất bản: Những ngọn lửa, Không gục ngã, Sống trong chờ đợi. Những tác phẩm của chị không chỉ thể hiện nghị lực phi thường mà còn gây ấn tượng với độc giả bởi tài năng văn chương thiên phú.
Dịch giả Nguyễn Bích Lan quan tâm đến nhiều chủ đề trong đời sống xã hội, trong đó có vấn đề phản chiến. Chị chia sẻ: “Chiến tranh là một thực tế đáng buồn và đáng thất vọng của thế giới loài người. Chúng ta cần phải hiểu về các cuộc chiến tranh ở mức độ nào để có thể trở thành những người phản chiến bằng chính cách sống, cách suy nghĩ, và bằng các hành động của mình.
Trên thế giới càng ngày càng xuất hiện nhiều cuốn sách mới viết về chiến tranh với cái nhìn vượt trên ranh giới của sự thắng thua, không khoét sâu hố thẳm thù hận, cũng không tô hồng những chiến công, chỉ tập trung nhấn mạnh sự mất mát về nhiều mặt của các nạn nhân của toàn bộ cuộc chiến. Những tác phẩm đó đang gánh trách nhiệm lớn của văn chương khi khơi dậy tình yêu hòa bình, và lôi cuốn người đọc vào nghĩa vụ vun đắp và giữ gìn hòa bình trên thế giới.”

Trong bài viết dưới đây, dịch giả Nguyễn Bích Lan chia sẻ 5 tác phẩm liên quan chiến tranh mà chị cho rằng mọi người nên đọc để hiểu rõ hơn về chiến tranh, chung tay chống lại những cuộc chiến đáng thất vọng có thể xảy ra trong tương lai của nhân loại.

dg NBL.png

Người yêu dấu - Dạ Ngân

Người yêu dấu là câu chuyện về một mối tình mong manh được treo trên cái phông nền chiến tranh quá rộng khiến người đọc có cảm giác nó lọt thỏm, chỉ chực mất sau những con chữ. Nhưng đó không phải là nhược điểm của tác phẩm mà chính là dụng ý của tác giả.

Bởi mối tình càng mong manh, càng gây tiếc nuối càng khiến người ta thấy rõ bộ mặt tàn ác của chiến tranh. Ở đây chiến tranh còn có một cái tên khác: kẻ đánh cắp hạnh phúc. Người yêu dấu cũng là một trong số ít tác phẩm văn học đề cập đến cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.

 

Ánh sáng vô hình – Anthony Doerr

Chiến tranh đã làm gì những kẻ mộng mơ? Đó là câu chuyện về những đứa trẻ mới lớn có tâm hồn thanh khiết, đẹp đẽ bị chiến tranh tước mất bình yên, tương lai, sinh mạng. Nhưng không chỉ có thế, Ánh sáng vô hình là câu chuyện kể về cái cách con người ta cố gắng đối xử với nhau bằng lòng tốt ban sơ trong hoàn cảnh nghiệt ngã nhất. Đây tác phẩm được trao giải Pulitzer năm 2015.

 

Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ - Svetlana Alexievich

Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ là tác phẩm văn học phi hư cấu của nhà văn được trao giải Nobel năm 2015 Svetlana Alexievich. Cuốn sách là những câu chuyện của những người phụ nữ đã từng tham gia cuộc chiến tranh thế giới thứ hai được ghi lại qua hàng trăm cuộc phỏng vấn.

Những câu chuyện chân thực, thẳng thắn về chiến tranh qua góc nhìn của phụ nữ mang đến cho người đọc sự xúc động sâu sắc, sự thấu hiểu và gợi mở một tầm nhìn bao quát, nhân bản về một thực tế đáng buồn không thể chối bỏ được của thế giới loài người.

 

Lời nguyện cầu Chernobyl - Svetlana Alexievich

Kể từ ngày 26-4-1986, ngày xảy ra vụ nổ lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, cái tên Chernobyl đã trở thành nỗi ám ảnh lớn của nhân loại.

Cũng giống như những barie cách ly khu vực nhiễm phóng xạ được thiết lập ngay sau đó, nỗi sợ hãi, bàng hoàng và những rào cản khác đã khiến sự thật về thảm họa này hầu như khép chặt trước thế giới bên ngoài.

Nhưng điều bí ẩn cần phải được giải mã và quá khứ luôn chứa đựng những bài học mà chúng ta cần tiếp thu để đi đến tương lai một cách an toàn và sáng suốt. Tôi tìm thấy điều đó khi đọc và dịch cuốn sách này.

Chúng ta có thể mường tượng ra sự khủng khiếp của chiến tranh sử dụng vũ khí hạt nhân. Và nếu nó xảy ra, đó sẽ là dấu chấm hết cho sự tồn tại của sự sống trên trái Đất. 

Lời nguyện cầu Chernobyl là một trong những tác phẩm chính giúp mang về cho tác giả Svetlana Alexievich giải Nobel văn chương năm 2015.

 

Ali và Nino - Kurban Said

Sinh ra và lớn lên ở Baku - ranh giới địa lý giữa phương Đông và phương Tây - Ali và Nino vượt trên mọi sự khác biệt về nguồn gốc, tôn giáo, văn hóa, tính cách để nuôi dưỡng tình cảm từ thuở học trò trở thành tình yêu lứa đôi sâu sắc. Nhưng người đọc cũng không khỏi xót xa trước sự chia lìa của họ vì chiến tranh.

Và một lần nữa tiếng nói phản chiến lại vang vọng trong tác phẩm lớn được ra đời vào thời kỳ các quốc gia tương tàn trong Thế chiến thứ nhất này.

Tiểu thuyết Ali và Nino đã được dịch ra 30 thứ tiếng với hơn 100 lần in, và được bạn đọc ở nhiều nơi trên thế giới khen ngợi.


-Nhà sách Hadosa sưu tầm-

Loading...