Bí quyết dạy trẻ "tận tâm" và "không để lại dấu vết"

Phụ huynh càng dồn nhiều tâm huyết vào việc dạy con, con lại càng mang tâm lý “phản pháo”. Làm thế nào để vừa dạy con một cách hiệu quả, vừa không đem lại cảm giác “cưỡng chế” cho con?

Trong xã hội bây giờ, phụ huynh nào cũng muốn những điều tốt nhất dành cho con, đối với con hết lòng; nhưng những gì con lĩnh hội được từ tình yêu thương của cha mẹ lại không phải “giáo dục”, mà là “cưỡng chế”. Phụ huynh thường chỉ chú tâm sử dụng những biện pháp truyền thống mang tính quản giáo và thể hiện quyền uy như can thiệp quá mức, đòn roi, mắng mỏ, thậm chí áp dụng nhiều biện pháp cực đoan hơn để uốn nắn, dạy dỗ con “nên người”. Đây không phải phương pháp đúng để dạy con.

 

Vậy thế nào mới là giáo dục chân chính?

Doãn Kiến Lợi là chuyên gia giáo dục có kinh nghiệm nhiều năm thực hiện công tác giảng dạy, hiện nay chủ yếu làm công tác tư vấn và nghiên cứu giáo dục gia đình. Cô nắm rất rõ hệ thống giáo dục hoạt động trong nhà trường, nghiên cứu sâu về giáo dục gia đình, đồng thời nuôi dạy nên một cô con gái xuất sắc. Cô bé đã thi đỗ Đại học Thanh Hoa vào năm 16 tuổi với kết quả vượt 20 điểm so với điểm chuẩn năm đó, được hai trường Đại học nổi tiếng mời nhập học, được bình chọn cho danh hiệu “Học sinh ba tốt” của thành phố Bắc Kinh.

Sự xuất sắc của mỗi đứa trẻ đều có ngọn nguồn. Cũng là một người mẹ, Doãn Kiến Lợi đã làm như thế nào?

Xưa kia, ngay từ trước khi nhận bằng Thạc sĩ giáo dục, cô đã ấp ủ ước ao công tác trong trường tiểu học, vì cô cho rằng giáo dục tiểu học là “mầm mống của giáo dục”, là xuất phát điểm quan trọng nhất quy định sự thành công của một con người sau này. Sau, do nhiều nguyên nhân, nguyện vọng của cô đã không thành. Không nản lòng, cô đã tận dụng toàn bộ khả năng nghiên cứu và kinh nghiệm làm việc của mình, cho ra đời những đầu sách về giáo dục gia đình với mục tiêu thúc đẩy tư tưởng giáo dục đúng đắn trong gia đình. Cuốn sách nổi tiếng nhất truyền bá lý luận giáo dục của cô là “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt”.

nguoi-me-tot-hon-la-nguoi-thay-tot.jpg

Nguồn ảnh: Những vì sao

 

Nội dung cuốn “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt”

Bằng cách đúc kết kinh nghiệm gần hai mươi năm nuôi dạy con trưởng thành và thành công của mình, kết hợp với kinh nghiệm dạy học và tiếp xúc thực tế với trẻ em, Doãn Kiến Lợi đã viết nên cuốn sách này dưới tư cách là một nhà nghiên cứu giáo dục, và trên hết, là một người mẹ nuôi dạy con.

Cuốn sách đề cập đến nhiều vấn đề phụ huynh thường gặp trong quá trình nuôi dạy con cái, nhưng hai vấn đề quan trọng nhất mà tác giả nhấn mạnh là làm thế nào để nâng cao trí tuệ và nuôi dưỡng tâm hồn trẻ. Cô không dùng những thuật ngữ phức tạp chỉ hay gặp trong nghiên cứu, cũng không áp dụng những lý luận trừu tượng để gây hoang mang cho người đọc, mà cô đã dùng những từ ngữ ngày thường và cách hành văn vừa có chiều sâu tư duy vừa mang tính giáo dục để hoàn thành cuốn sách. Một trong những phương châm khi chắp bút viết về giáo dục gia đình của cô là: “Với trẻ em không có chuyện nhỏ, mọi chuyện nhỏ đối với trẻ đều là chuyện lớn.”

Cuốn sách đi từ những vấn đề cơ bản, đời thường, thường gặp nhất trong quá trình nuôi dạy con như trẻ sợ tiêm, trẻ hỏi những câu hóc búa, trẻ nói dối,... đến những vấn đề khi trẻ dần lớn hơn và đặt chân lên con đường học tập như trẻ học chữ, trẻ làm toán, trẻ viết văn,... Từng vấn đề Doãn Kiến Lợi đặt ra đều vô cùng gần gũi và chân thực, không mang lại cảm giác nặng nề về lý thuyết mà ngược lại, còn giúp các bậc phụ huynh có cái nhìn bao quát hơn về những vấn đề và thách thức đối với trẻ.

Ngoài ra, cô cũng nêu ra thực trạng đáng báo động trong hệ thống giáo dục Trung Quốc và đề cập đến những gì phụ huynh cần hành động để tìm ra cách giải quyết hiệu quả với con trẻ. Hệ thống giáo dục của Việt Nam cũng có nhiều điểm tương đồng, nên không ngoại lệ, những gì là bất cập tại Trung Quốc cũng dễ xảy ra tại Việt Nam. Phụ huynh Việt Nam khi đọc cuốn sách sẽ dễ dàng nhận ra tình trạng học tập của con mình có những vấn đề gì tại trường học để nhanh chóng nghĩ ra phương hướng giải quyết.

Chu Húc Đông, giáo sư đã từng hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, khi đọc cuốn sách “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt”, đã nói: “Trước đây tôi cũng đã đọc rất nhiều sách vở thịnh hành trong xã hội có liên quan đến phương diện giáo dục, nhưng cũng chỉ tiếp xúc với mấy quyển, những thứ khẩu hiệu, vô thức tập thể thực sự không hợp với gu của tôi. Nhưng tôi lại đọc liền một mạch cuốn sách này của Doãn Kiến Lợi. Không phải vì chúng tôi có quan hệ thầy trò mà chủ yếu vì sách của cô ấy viết rất dễ hiểu nhưng vô cùng chuyên nghiệp; sự sâu sắc về tư duy và sự đơn giản và điêu luyện trong thao tác của cô ấy đối với một số vấn đề về giáo dục trẻ em đã khiến tôi có cảm giác bừng ngộ.”

Một điều cần phải làm rõ là tựa đề của cuốn sách: “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt” không mang ý so sánh giữa vai trò của một người mẹ và người thầy. Trong trường học, trên giảng đường, người thầy đóng vai trò là hình mẫu cho con trẻ về hành vi, kiến thức, đạo đức, sự quan trọng của phép học. Là một chuyên gia giáo dục, không lý nào tác giả lại ẩn ý một quan điểm phi lý như thế. Doãn Kiến Lợi ở đây chỉ muốn nói lên một đạo lý quan trọng nhưng thường xuyên bị coi nhẹ: Trong công cuộc giáo dục con trẻ, phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Sự định hướng của các bậc làm cha, làm mẹ ảnh hưởng vô cùng đến biểu hiện và hành vi của con.

 

Tổng kết

“Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt” như một cuốn sách giáo khoa cho các bậc phụ huynh muốn học về giáo dục gia đình, là một phiên bản hiếm có dám nhìn thẳng vào thực trạng giáo dục con trẻ hiện nay. Cuốn sách là toàn bộ tâm tư, sự dũng cảm, tư tưởng và trí tuệ được tác giả Doãn Kiến Lợi gửi gắm; và đương nhiên, ngoài quan niệm giáo dục độc đáo, cuốn sách vẫn bao hàm quan trọng nhất là tình yêu thương giữa cha mẹ và con.

Cuốn sách phù có thể dành cho các bậc phụ huynh, các thầy, cô giáo đọc và tham khảo để rút ra nhiều điều bổ ích về sự cân bằng giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và cách dạy dỗ con nên người mà không mang lại cảm giác xa rời cho con.

Loading...